Danh sách một số địa điểm du lịch
Chùa Keo
Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang Tự, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông. Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Đây là ngôi chùa bằng gỗ có nghệ thuật kiến trúc và giá trị lịch sử lớn và đẹp nhất việt Nam. Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không lộ - Lý Quốc Sư. Năm 2012, chùa Keo được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia.
Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần
Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần tọa lạc trên diện tích 32,4ha tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây được coi là nơi phát tích, vùng quê sáng nghiệp, hưng nghiệp và giữ nghiệp của vương triều Trần (1225 - 1400). Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần. Năm 2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Đình – Đền – Bến Tượng A Sào
A Sào thời Trần là trung tâm của Hương A cảo nằm cạnh sông Hóa nay là xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Là thái ấp của An Sinh Vương – Trần Liễu phụ thân của Hưng Đạo Đại Vương. Bến tượng A Sào có dấu tích voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy và lời thề quyết tử: Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không về bến sông này! Đệ nhị sinh từ Mễ Thương thắng tích, Bến tượng cùng nhiều chứng tích lịch sử ghi đậm dấu ấn phát tích sự nghiệp quân sự của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Được Bộ Văn hóa cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2011.
Đền Đồng Bằng
Di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng hay còn gọi là đền Đức Vua cha Bát Hải, thuộc thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nơi gìn giữ và tôn vinh công lao to lớn của Vĩnh Công Đại Vương, người có công lớn giúp Vua Hùng đánh giặc ngoại xâm dựng nước, khai lập ra 8 trang Đào Động xưa và tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh nhà Trần. Năm 1986, khu di tích được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1986. Năm 2016, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đền Tiên La
Đền Tiên La thờ Bát Nạn Tướng Quân - một nữ tướng của Hai Bà Trưng nằm tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đền toạ lạc trên một diện tích khoảng 4000m2 trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, toà tiền tế, toà trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền. Đền Tiên La được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986.
Đền Đồng Xâm - Chạm bạc đồng Xâm
Đền Đồng Xâm là một quần thể di tích rộng gần 10.000m2 với nhiều công trình như: vọng lâu, thủy tọa, hoành mã, phương đình, toà điện thờ, nhà tổ nghề chạm bạc… Đền thờ Triệu Vũ Đế, Trình Thị Hoàng Hậu và ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu. Năm 1990 đền Đồng Xâm được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có từ lâu đời hơn 500 năm. Cồn Vành
Cồn vành
Cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35km, khu du lịch sinh thái Cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận năm 1994 có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú với bãi biển hoang sơ trải dài. Hiện nay, khu du lịch sinh thái Cồn Vành là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh mỗi dịp hè và nghỉ lễ.
Cồn Đen
Cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35km về phía Tây dọc theo quốc lộ 39B, Cồn Đen, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nằm trong vùng dự trữ sinh quyển thế giới với thảm thực vật còn nguyên sơ, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo, hệ động thực vật đa dạng phong phú, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, tham quan nghiên cứu.